Sie sind auf Seite 1von 1

“Bão giá” Việt Nam trong mắt nhà báo Reuters

Mỗi lần người công nhân Nguyễn Thị Hà đi siêu thị, cô nhận thấy giá cả trên
các kệ hàng lại tăng lên. Đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đối mặt
với tỉ lệ lạm phát cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Người dân Việt Nam đã bị sốc khi mức độ lạm phát nhảy vọt lên con số 12,6%
trong tháng 12 do giá lương thực và nhiên liệu gia tăng. Đây là mức tăng cao nhất
trong 10 năm qua và cao hơn hẳn so với xu hướng tại các nền kinh tế đang phát
triển khác ở châu Á.

Hàng nghìn công nhân tại các nhà máy may của Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan tại
TPHCM và vùng lân cận vài tháng gần đây đã đình công yêu cầu tăng lương để
"chống chọi" với tình hình tăng giá.

Giá cả leo thang đang tạo ra một thách thức lớn đối với chính phủ. Các nhà kinh
tế cho rằng tỉ lệ lạm phát 2 con số là vấn đề đáng lo ngại vì điều đó có nghĩa là
người nghèo sẽ phải mua thịt ít hơn trong khi Việt Nam hiện có thu nhập bình
quân là 835 USD/người.

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tại Việt Nam đang ngày càng nới
rộng. Theo số liệu của chính phủ, thu nhập của 20% dân số giàu nhất lớn gấp 7
lần 2% dân số nghèo nhất.

Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cấp cao của Chương trình phát triển của Liên
Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội nói: "Vấn đề đối với chính phủ là phải thuyết phục
người nghèo thấy rằng họ cũng đang được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế
8%".

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát, trong đó nguyên nhân chính là
nguồn cung tiền tệ quá lớn do đầu tư nước ngoài, khiến Ngân hàng Nhà nước
phải mua USD để giữ giá tiền đồng.

Các công nhân nhà máy và tầng lớp hưu trí là những người bị ảnh hưởng nhiều
nhất khi giá cả tăng, khiến sức mua của họ đối với những mặt hàng thiết yếu giảm
đáng kể. Nhiều công nhân làm việc tại 14 khu công nghiệp xung quanh TPHCM
chỉ kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng tháng.

Das könnte Ihnen auch gefallen