Sie sind auf Seite 1von 2

ĐỒNG HÀNH CÙNG CON VÀO LỚP 1

Đầu xuân, tôi chọn chủ đề này để mở đầu cho các hoạt động giáo dục của năm nay. Bài viết dành
riêng cho phụ huynh có con sinh năm 2012, chuẩn bị vào lớp 1, vì gần đây trên group cũng thấy
nhiều mẹ băn khoăn vấn đề này. Bài viết có hơi dông dài, rất mong mọi người “kiên nhẫn” khi đọc
để cùng suy ngẫm.
Lớp 1 có thể nói là dấu mốc rất quan trọng trong hành trình học tập và phát triển của một đứa trẻ.
Khi trẻ chưa đến tuổi trưởng thành để tự quyết định và chịu trách nhiệm về bản thân mình thì cha
mẹ sẽ là người làm điều đó. Là giáo viên, đồng thời lại là phụ huynh có con trong độ tuổi này, tôi
thấu hiểu hơn ai hết những băn khoăn, lo lắng của những người làm cha mẹ. Chắc chắn sẽ có một
loạt các vấn đề, một loạt các câu hỏi lựa chọn được đặt ra:
- Nên chọn trường công hay trường tư?
- Có nên cho con học chữ trước khi vào năm học?
- Có nên tham gia các lớp ôn luyện để chuẩn bị thi vào một trường cụ thể?
- Có cần “liên hệ” trước để chọn thầy, chọn cô?
- Có nên cho học các trung tâm ngoài để bổ sung thêm kĩ năng, kiến thức?
Ngược lại, cũng có cha mẹ lại hết sức bình thản: ngày xưa thời mình đến tuổi đi học thì cứ thế đi
học thôi, có gì mà phải lo lắng.
Tất cả những băn khoăn trên, những quan điểm trên đều chính đáng và có cơ sở. Sẽ không thể có
một “phác đồ” chung áp dụng được cho tất cả các gia đình, cho mọi đứa trẻ. Nên nếu đưa vấn đề
này thành diễn đàn tranh luận thì sẽ là cuộc tranh luận không có hồi kết. Bài viết này chỉ nhằm chia
sẻ CÁCH ĐỂ PHỤ HUYNH ĐƯA RA MỘT LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN, HIỆU QUẢ VÀ PHÙ HỢP VỚI
HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH VÀ CON EM MÌNH.
BƯỚC 1: ĐÁNH GIÁ CHÍNH XÁC NĂNG LỰC CỦA CON
Rất nhiều cha mẹ lo lắng, than phiền rằng: Con em chuẩn bị vào lớp 1 mà còn non quá, thấy các
bạn khác lanh lợi tự tin quá...Nhưng khi được hỏi cụ thể con yếu kém mặt nào? Biểu hiện cụ thể ra
sao thì bố mẹ chưa thực sự chỉ rõ được. Muốn đánh giá bất cứ điều gì chúng ta cần có tiêu chí –
thang đo và các minh chứng cụ thể cho từng tiêu chí. Thang đo này chúng ta không nên tự xây
dựng mà nên tham khảo các chuẩn (trong nước hoặc quốc tế) đã được công nhận.
Vì xác định con học tại Việt Nam nên bản thân tôi căn cứ Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, bao gồm: 4 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 tiêu chí mô tả sự phát triển của trẻ 5 tuổi. Theo
bộ chuẩn này tôi biết được con mình đạt chuẩn cơ bản về năng lực nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp,
nhưng còn yếu về vận động thể chất và cần điều chỉnh thêm về cảm xúc. Bố mẹ có thể tham khảo
link dưới đây:
http://mntuoitho7.hcm.edu.vn/…/minh-chung-cho-cac-chi-so-cu…
BƯỚC 2: LÊN KẾ HOẠCH GIÚP CON ĐIỀU CHỈNH ĐỂ ĐẠT CHUẨN
Nếu con được trường mầm non đánh giá là đạt chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi thì bố mẹ hoàn toàn
yên tâm con sẽ vào lớp 1 một cách tự tin mà không cần cho học thêm bất cứ chương trình nào.
Trong trường hợp con còn thiếu hụt một số phương diện so với chuẩn, bố mẹ chủ động xây dựng
kế hoạch rèn luyện, học tập giúp con dần đạt chuẩn. Trong bản kế hoạch ấy cần tính toán các yếu
tố:
- Quỹ thời gian của cha mẹ (để đưa đón đi học thêm hoặc trực tiếp giáo dục trẻ)
- Khả năng tài chính (điều này rất quan trọng, bố mẹ đừng vì quá lo lắng cho con mà cố chạy theo lộ
trình vượt quá khả năng tài chính của mình)
- Sức khỏe của con: dĩ nhiên rồi, không có sức khỏe thì việc học sẽ vô cùng vất vả
Kế hoạch giúp con bổ sung năng lực theo chuẩn này bố mẹ nên triển khai trong giai đoạn trước khi
vào năm học, càng sớm càng tốt (nên nhất là từ 3-6 tháng)
BƯỚC 3: TÌM HIỂU KĨ LƯỠNG VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔ SUNG
Dựa vào bản kế hoạch đã xây dựng, bố mẹ chủ động tìm hiểu các chương trình học phù hợp với
con. Ở đây tôi đặc biệt nhấn mạnh hai chữ “phù hợp”. Thêm nữa, khái niệm “học” cũng cần được
hiểu một cách rất linh hoạt, không hẳn học là học chữ, học trước chương trình. “Học” đơn giản là
hoạt động giúp trẻ hoàn thiện hơn về các phương diện năng lực, kĩ năng, để trẻ tự tin bước vào môi
trường hoàn toàn mới.
Các thông tin bố mẹ cần quan tâm khi tìm hiểu về các khóa học:
- Mục tiêu khóa học là gì? Sau khóa học, sản phẩm đầu ra cho con sẽ là gì?
- Nội dung từng buổi học (nếu có)
- Nên nghe tư vấn kĩ trước khi đăng ký khóa học
- Nếu được, bố mẹ hãy tham dự 1-2 buổi học cùng con để hiểu rõ hơn về chương trình học
BƯỚC 4: THÀNH THẬT TRẢ LỜI CÂU HỎI: BẠN MUỐN CON BẠN TRỞ THÀNH NGƯỜI NHƯ
THẾ NÀO?
Câu hỏi này tưởng là dễ mà không hề dễ dàng. Vì đôi khi bản thân chúng ta cũng còn rất mâu
thuẫn, lúc mong thế này, lúc muốn thế kia. Khi con ốm yếu thì chỉ có một ước muốn duy nhất:
Chẳng cần gì ngoài việc con khỏe mạnh, bình an. Nhưng khi con bộc lộ chút năng khiếu trong một
lĩnh vực nào đó, ở một thời điểm nào đó, rất có thể ta lại mơ mộng: con sẽ là một ngôi sao tỏa sáng.
Mỗi lần đặt ra một kỳ vọng, một viễn cảnh cho con, chúng ta hãy cố gắng chậm lại một chút để suy
nghĩ, bởi ta là người quyết định nhưng người chịu tác động lại là con trẻ.
BƯỚC 5: BẠN ĐÃ THỰC SỰ ĐỒNG HÀNH CÙNG CON?
Những năm đầu đời trẻ rất cần bố mẹ bên cạnh. Chúng ta không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà
trường, cho thầy cô giáo hay gửi gắm niềm tin tuyệt đối vào các lớp học bồi dưỡng ngoài trường.
Sự tiến bộ, sự phát triển của trẻ phụ thuộc vào sự tổng hòa của cả 3 yếu tố: bản thân – giáo viên –
phụ huynh. Sẽ rất hiếm những đứa trẻ không cần ai bảo ban, nhắc nhở, tự giác ngồi vào bàn, tự
giác làm bài tập, chủ động tìm tòi, khám phá…Chúng thực sự cần sự uốn nắn, đồng hành của
chúng ta – những người làm cha mẹ.
Bước 5 là bước cuối cùng trong nhóm giải pháp mà tôi đưa ra nhưng với tôi đó là bước quan trọng
nhất. Bạn phải làm tốt bước này thì những công đoạn khác mới có giá trị!
Một vài lời dông dài trong ngày đầu tuần mới, hi vọng không quá ảnh hưởng đến thời gian vàng
ngọc của mọi người.
CHÚC CÁC PHỤ HUYNH THÀNH CÔNG TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐỒNG HÀNH CÙNG CON VÀO
LỚP 1.
p/s: dưới đây là vài phút nhí nhố của chú rồng con nhà mình ^^

Das könnte Ihnen auch gefallen